Từ năm 2024, trách nhiệm tái chế bao bì trở thành nghĩa vụ đối với nhiều doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu tại Việt Nam. Điều này đặt ra những thách thức nhưng cũng mở ra cơ hội để các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FMCG, thể hiện vai trò tiên phong trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
1. Quy định của nhà nước về trách nhiệm tái chế bao bì sau sử dụng, sản phẩm của doanh nghiệp
Theo Luật Bảo vệ Môi trường (BVMT) năm 2020 và Nghị định 08/2022/NĐ-CP, trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì được quy định cụ thể như sau:
-
Đối tượng áp dụng: Nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm như pin - ắc quy, dầu nhớt, săm lốp, điện - điện tử, phương tiện giao thông và một số loại bao bì (bao bì thương phẩm của thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, chất tẩy rửa, chế phẩm gia dụng, nông nghiệp, y tế, xi măng).
-
Thời gian thực hiện: Bắt đầu từ ngày 1/1/2024 đối với pin - ắc quy, săm lốp, dầu nhớt và bao bì; từ ngày 1/1/2025 đối với sản phẩm điện, điện tử.
-
Hình thức thực hiện: Doanh nghiệp có thể tự tổ chức tái chế hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam để hỗ trợ hoạt động này.
Quy định này đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại Việt Nam.
2. Khó khăn của doanh nghiệp khi thưc hiện thu hồi và tái chế bao bì
Nhiều quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, đã ban hành chính sách EPR, quy định trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc quản lý vòng đời sản phẩm, bao gồm cả việc thu gom và tái chế bao bì sau khi người tiêu dùng sử dụng. Các quy định về quản lý chất thải và bảo vệ môi trường ngày càng được thắt chặt trên toàn cầu. Tái chế bao bì giúp doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu này và hướng đến một môt hình kinh doanh bền vững. Tuy nhiên, hiện nay tại Việt Nam việc thực hiện trách nhiệm tái chế bao bì đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp FMCG:
-
Hệ thống thu gom, phân loại chuyên biệt và tái chế rác thải ở Việt Nam chưa đồng bộ và hiệu quả. Phần lớn rác thải ở Việt Nam vẫn được thu gom chung, không phân loại tại nguồn (tại hộ gia đình, cơ sở kinh doanh, công cộng). Điều này khiến cho việc tái chế trở nên khó khăn và tốn kém hơn, vì phải mất thêm công đoạn phân loại sau đó
-
Xây dựng và vận hành hệ thống thu gom, phân loại đòi hỏi đầu tư lớn về tài chính, công nghệ và nhân lực. Cần đầu tư vào các thùng chứa rác phân loại tại nguồn (tại hộ gia đình, khu dân cư, nơi công cộng), xe chuyên dụng để thu gom riêng biệt từng loại rác, các điểm tập kết và trung chuyển rác. Chi phí này không hề nhỏ, đặc biệt khi cần triển khai trên diện rộng. Sau khi phân loại, rác thải cần được xử lý phù hợp. Rác tái chế được sẽ được chuyển đến các nhà máy tái chế, rác hữu cơ có thể được ủ compost, rác thải nguy hại cần được xử lý theo quy định riêng
-
Phần lớn người tiêu dùng chưa có thói quen phân loại rác thải tại nguồn và chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc tái chế. Họ không biết rác nào thuộc loại nào (ví dụ: rác hữu cơ, rác tái chế, rác thải nguy hại) và cách xử lý từng loại ra sao.
Việc giải quyết các khó khăn trong lĩnh vực tái chế đòi hỏi sự nỗ lực và hợp tác đồng bộ từ tất cả các bên liên quan. Chỉ khi có sự chung tay của doanh nghiệp, chính phủ và cộng đồng, chúng ta mới có thể xây dựng một hệ thống quản lý chất thải và tái chế hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường và hướng tới phát triển bền vững.
3. Giải pháp giúp doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm thu hồi và tái chế bao bì
3.1 Đặt booth thu gom cố định theo quy trình thu hồi bao bì của VECA
Từ tháng 10 năm 2024, đặt booth thu gom cố định là một trong những giải pháp được VECA đề cập để thu hồi bao bì từ người tiêu dùng. Đây là hình thức thiết lập các điểm thu gom tại các địa điểm cố định, thường là những nơi công cộng, khu dân cư, trung tâm thương mại, siêu thị, v.v. để người dân có thể mang bao bì đã qua sử dụng đến bỏ vào booth. Việc đặt booth thu gom cố định tại các địa điểm công cộng mang lại nhiều lợi ích. Thứ nhất, nó giúp tăng cường sự hiện diện của hoạt động tái chế, từ đó nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của phân loại rác và bảo vệ môi trường. Thứ hai, vị trí cố định của booth giúp doanh nghiệp dễ dàng quản lý, giám sát, bảo trì, theo dõi lượng bao bì thu gom và đánh giá hiệu quả chương trình. Cuối cùng, việc chủ động triển khai các booth thể hiện cam kết của doanh nghiệp với môi trường và trách nhiệm xã hội, góp phần xây dựng hình ảnh thương hiệu tích cực trong mắt người tiêu dùng.
3.2 Hệ thống đặt cọc hoàn trả (Deposit Refund System - DRS)
Khi người tiêu dùng mua một sản phẩm có bao bì thuộc diện áp dụng DRS (ví dụ: chai nước ngọt, lon bia), họ sẽ phải trả thêm một khoản tiền nhỏ gọi là tiền đặt cọc (deposit) ngoài giá sản phẩm. Khoản tiền này như một khoản "thế chân" cho việc trả lại bao bì sau khi sử dụng.
Sau khi sử dụng sản phẩm, người tiêu dùng có thể mang bao bì rỗng đến các điểm thu gom được chỉ định (ví dụ: cửa hàng bán lẻ, máy thu hồi tự động) để nhận lại khoản tiền đặt cọc ban đầu.
3.3 Thu gom tại điểm bán lẻ (Retail Take-Back)
Thu gom tại điểm bán lẻ (Retail Take-Back) là một hình thức thu hồi sản phẩm đã qua sử dụng, trong đó các nhà bán lẻ (cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại...) đóng vai trò là điểm thu gom, cho phép người tiêu dùng trả lại sản phẩm hoặc bao bì của chúng tại chính nơi họ đã mua hoặc tại các địa điểm được chỉ định bởi nhà bán lẻ. Điểm mấu chốt để Retail Take-Back hoạt động hiệu quả là tìm được đơn vị thu gom và tái chế phù hợp. Đồng thời cần tính toán chi phí kho bãi cho việc lưu trữ và xử lý tạm thời sản phẩm/bao bì thu gom được trước khi chuyển giao cho đơn vị tái chế
Việc thực hiện thu hồi và tái chế bao bì là một quá trình phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều bên liên quan và áp dụng các giải pháp toàn diện. Bằng cách hiểu rõ các mô hình thu hồi, công nghệ tái chế, xây dựng mạng lưới hợp tác và áp dụng các yếu tố thành công, doanh nghiệp có thể thực hiện trách nhiệm của mình một cách hiệu quả và góp phần vào sự phát triển bền vững.